Xiaomi có thể chơi trò phá đảo thị trường với giá cực thấp trong khi cấu hình lại rất cao, cao hơn hẳn so với đối thủ của mình. Dù hiện tại nhiều hãng Trung Quốc khác đã gần tiệm cận với giá Xiaomi nhưng vẫn chưa thể bằng được, và đương nhiên giá Xiaomi bỏ xa các tên tuổi lớn như Samsung, Apple, Sony, HTC, LG... Vì sao Xiaomi có thể làm được chuyện này?
Dây chuyền sản xuất đủ lớn, vòng đời sản phẩm dàiXiaomi có một dây chuyền cung ứng rộng khắp thế giới, điều này cũng giống như bao hãng smartphone khác mà thôi. Nhưng điểm khác biệt là Xiaomi có thể đặt hàng số lượng rất lớn nên họ dễ dàng deal được giá rẻ cho từng linh kiện mà mình mua. Cứ mỗi linh kiện giảm được vài đô la, tổng cộng mỗi máy tiết kiệm được chục đô. Bạn nhân số lượng máy mà Xiaomi giao mỗi quý vào khoảng 20-28 triệu đơn vị (trên phạm vi toàn thế giới) thì giảm được biết bao nhiêu là chi phí. Và việc cắt giảm chi phí đó sẽ phản ánh trực tiếp vào giá thành, giá bán sản phẩm.
Năm 2015, Xiaomi cũng từng tiết lộ rằng một bí quyết mà họ dùng để giảm chi phí đó là vòng đời sản phẩm dài. Một mẫu điện thoại Xiaomi sẽ được bán từ 18 đến 24 tháng, nó sẽ trải qua 3 đến 4 đợt giảm giá trước khi bỏ mẫu. Ví dụ, chiếc Redmi 1 có vòng đời 16 tháng, Mi 2S là 26 tháng. Gần đây vẫn thế, Mi 8 ra mắt sau hơn 1 năm so với Mi 6.
Mấu chốt của việc kéo dài vòng đời đó là càng về sau thì chi phí sản xuất sẽ càng giảm đi, nhất là khi thị trường đang dịch chuyển với tốc độ cao, công nghệ mới, linh kiện mới ra đời mỗi ngày. Nói cách khác, sau 1 - 1,5 năm, chi phí sản xuất điện thoại Xiaomi giảm đi đáng kể và hãng phản ánh trực tiếp điều đó vào giá bán.
Tiết kiệm chi phí hoạt động, marketingXiaomi sử dụng một chiến lược mà mình đánh giá là cực kì thông minh và rất khó hãng nào có thể làm theo: xây dựng cộng đồng. Cộng đồng Xiaomi rất mạnh, họ tạo ra những fan trung thành sẵn sàng truyền miệng về thiết bị Xiaomi đến người khác, và bản thân fan cũng có thể dễ dàng tiếp cận với điện thoại Xiaomi nhờ mức giá tốt. Xiaomi cũng liên tục tổ chức các buổi fan meeting, các buổi tiệc cho fan, các hoạt động cộng đồng, cuộc thi ảnh...
Tất nhiên Xiaomi không thể làm được điều này ngày một ngày hai, nó là cả một quá trình kéo dài nhiều năm với nhiều phương pháp khác nhau. Ngay từ đầu hãng đã kiên trì theo đuổi chiến lược này, và giờ là lúc gặt hái kết quả. Nhiều hãng khác như Asus, Samsung, Oppo cũng cố gắng xây dựng cộng đồng của họ nhưng do không quyết liệt như Xiaomi nên chưa hãng nào thành công cả.
Và nhờ lượng fan đông như vậy, cộng với sản phẩm tốt, nên Xiaomi không cần phải chi nhiều tiền vào marketing như các đối thủ. Họ vẫn làm marketing, có điều ít tiền hơn và tận dụng sức mạnh cộng đồng nhiều hơn, điều đó giúp tiết kiệm chi phí và Xiaomi lại có thể giảm giá bán thiết bị của mình.
Mình cũng được nghe nói về việc văn phòng Xiaomi ở các quốc gia không có đông nhân viên, họ giữ chi phí hoạt động ở mức thấp và đánh vào hiệu quả nhiều hơn. Thời gian đầu Xiaomi cũng chỉ bán điện thoại online và giờ họ vẫn tiếp tục duy trì chính sách này dù đã mở rộng nhiều hơn sang mảng offline (Mi Store), những thứ này cũng tiết kiệm được cho công ty cả mớ tiền so với việc phải đầu tư quá nhiều vào offline, vào cửa hàng, vào nhà phân phối như các hãng smartphone khác.
Xiaomi không chỉ là công ty di độngHọ còn là công ty làm đồ tiêu dùng, làm TV, làm đủ thứ sản phẩm trên đời. Một số thì do Xiaomi tự làm, một số do họ đầu tư vào các startup, số khác thì do 2 bên cùng hợp tác. Những sản phẩm đó bán cũng có lời, và nó sẽ bù lại cho phần hụt lỗ của điện thoại Xiaomi. Nổi nhất là loạt sản phẩm nhà thông minh của Xiaomi đấy, và những món này tuy có rẻ thật nhưng vẫn không phải chịu cảnh giảm giá sát sàn như điện thoại.
À, nếu bạn chưa biết thì Xiaomi còn chấp nhận bán điện thoại với mức lợi nhuận cực thấp, thậm chí lỗ, và họ sẽ bù lại bằng những sản phẩm khác. Điện thoại Xiaomi xem như là để làm thương hiệu và để cái tên Xiaomi chạm được tới nhiều người hơn, sau đó họ sẽ lấy tiền lại của bạn theo những cách khác. Tính ra thì đây cũng là một cách cực kì thông minh mà không phải hãng nào cũng can đảm thực hiện. Xiaomi năm nay còn tuyên bố sẵn sàng lỗ để bán được 100 triệu thiết bị trong năm 2018 này, máu chưa?
Và bạn còn nhớ vụ lùm xùm về việc Xiaomi hiện quảng cáo trên điện thoại chứ? Đây cũng là một cách kiếm tiền của họ để bù lại cho mức giá rẻ. Chẳng có bữa ăn nào miễn phí cả, bạn sẽ luôn phải trả cho người kinh doanh một cái gì đó mà thôi, trong trường hợp này Xiaomi đang thu được khá nhiều tiền từ việc xem quảng cáo của người dùng. Tất nhiên họ không phạm luật gì cả, họ đã thông báo về điều này trong Thỏa thuận sử dụng dịch vụ, và bạn cũng có thể thay các app Xiaomi bằng app bên thứ ba nhưng không phải ai cũng làm chuyện đó. Thế là tiền cứ chảy vào thôi
Xiaomi lại còn được lên tới sàn chứng khoán, và họ quảng bá mình như là một công ty công nghệ, kết hợp cả phần cứng và phần mềm với nhau. Xiaomi cũng luôn nói về công nghệ, kĩ thuật trong các thông điệp của mình, nó rộng hơn là điện thoại. Nó là cả một hệ sinh thái, và Xiaomi sẽ giữ người dùng sử dụng lại trong thế giới của họ. Một khi đã có người dùng thì bạn muốn làm gì cũng được, bạn muốn kiếm tiền như thế nào cũng được, kể cả các mảng mới như tài chính, bất động sản, sức khỏe...