Trong nỗ lực của ngành công nghệ cao Trung Quốc, nhằm trở thành một thế lực đủ sức cạnh tranh với Hoa Kỳ, có rất nhiều mảng công nghệ mà Trung Quốc đang tỏ ra vượt trội. Có thể kể đến như thiết bị viễn thông, mạng di động, smartphone, nhận diện khuôn mặt …
Nhưng có một lĩnh vực mà các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn không thể nào theo kịp được Thung lũng Silicon, đó là chất bán dẫn. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu số lượng chip xử lý trị giá hơn 300 tỷ USD, nhiều hơn cả nhập khẩu dầu thô. Đây cũng chính là xương sống của ngành công nghệ cao.
Chính quyền của tổng thống Donald Trump đã đánh trúng vào yếu điểm đó và cắt đứt gót chân Achilles của ngành công nghệ cao Trung Quốc. Bằng cách cấm Huawei nhập khẩu linh kiện chip từ các công ty công nghệ của Mỹ, như Intel và Qualcomm. Sắp tới đây, 5 gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc cũng có thể bị Mỹ đưa vào danh sách đen này.
Trung Quốc bằng mọi cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ
Với kỳ vọng làm giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty công nghệ của Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ USD cho các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước. Nhưng Mỹ lại không thích điều đó, và cho rằng Trung Quốc cần thu hẹp các khoản hỗ trợ không công bằng cho các công ty công nghệ của mình.
Căng thẳng ngày càng leo thang, sau đó Chính phủ Mỹ đã tìm ra lý do để trừng phạt trực tiếp một trong những nhà sản xuất chip do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, đó là Công ty Mạch tích hợp Kim Hoa. Micron Technology tố cáo công ty này đánh cắp thiết kế chip của mình, ngay sau đó Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã cấm công ty Kim Hoa mua linh kiện từ Mỹ.
Những nỗ lực của Trung Quốc vẫn chưa thể đem lại kết quả khả quan, khi mà tất cả những mẫu chip xử lý phức tạp vẫn phải nhập khẩu từ Mỹ. Chuyên gia phân tích Gu Wenjun của ICwise cho rằng Trung Quốc không am hiểu ngành công nghiệp này, tất cả những gì họ làm chỉ là đổ hết tài nguyên vào các công ty trong nước.
Ngành công nghệ cao Trung Quốc có thể sống mà không có Mỹ?
Việc tồn tại mà không có nguồn cung ứng chip từ các công ty công nghệ Mỹ sẽ là thử thách cuối cùng đối với Huawei, cũng như toàn bộ ngành công nghệ cao Trung Quốc. Trước đây, một nửa số chip Huawei sử dụng được nhập khẩu từ Mỹ và nửa còn lại là tự phát triển. Tuy nhiên, nhà sáng lập Nhâm Chính Phi cũng thừa nhận sẽ rất khó để Huawei loại bỏ hoàn toàn nguồn cung ứng của Mỹ.
Ví dụ trong chiếc smartphone Huawei P30 Pro mới ra mắt, các công ty Mỹ cung cấp những thành phần linh kiện quan trọng như con chip xử lý tín hiệu vô tuyến truyền cuộc gọi và dữ liệu qua mạng không dây. Chip nhớ là của Micron và Toshiba.
Riêng bộ vi xử lý chính là của Huawei, do bộ phận HiSilicon tự thiết kế và sản xuất. Ngay cả như vậy, việc sản xuất chip xử lý của HiSilicon vẫn phụ thuộc vào các bằng sáng chế, phần mềm và thiết kế chip được cấp phép từ các công ty công nghệ Mỹ.
Các trung tâm dữ liệu của Huawei vẫn đang phải sử dụng chip của Broadcom và Intel, trong khi dòng sản phẩm máy tính xách tay được cung cấp bộ xử lý đồ họa cao cấp từ Nvidia. Do đó, sẽ rất khó để Huawei có thể tách rời hoàn toàn khỏi những nguồn cung ứng từ Mỹ này.
Nếu Huawei không làm được, chắc chắn toàn bộ ngành công nghệ cao của Trung Quốc cũng không thể làm được. Từ đó chúng ta mới thấy đòn trừng phạt của Chính quyền tổng thống Donald Trump là mạnh tay như thế nào, ngay cả khi nó sẽ làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các công ty Mỹ khi mất đi những khách hàng lớn.