Với khung hình phạt mới nghiêm khắc hơn, dịch vụ đưa người say và xe về nhà được các chuyên gia nhìn nhận sẽ phổ biến tại Việt Nam trong thời gian tới.
Dịch vụ lái xe hộ người say từ lâu được nhiều đơn vị tại Việt Nam để mắt đến. Tuy vậy, mô hình này chưa được đầu tư nghiêm túc vì nhiều lý do. Trong đó, thói quen tự lái xe khi say của người Việt được xem là nguyên nhân chính.
Với khung phạt mới nghiêm khắc hơn khiến người dân phải cân nhắc kỹ khi lái xe sau khi sử dụng các chất có cồn.
“Việc tuân thủ pháp luật phụ thuộc nhiều vào ý thức của tài xế. Đôi lúc tôi tham gia các bữa tiệc để duy trì các mối quan hệ nhưng lỡ đi xe đến. Lúc này, tôi thường chọn cách tự lái xe về. Đôi lúc, những quán ăn thường không nhận giữ xe qua đêm để người say có thể đi các dịch vụ vận tải về nhà. Tôi nghĩ cần một dịch vụ lái xe hộ tài xế khi say”, Trí Tài, nhân viên văn phòng tại quận Bình Tân chia sẻ.
Tại Việt Nam, vẫn chưa có dịch vụ đưa tài xế say và xe về nhà như các quốc gia khác. |
"Là chủ một quán nhậu, tôi luôn muốn khách của mình đi đến nơi về đến chốn. Tuy vậy, tâm lý người say thường không tự nhận mình say và khá chủ quan khi cầm lái", Duy Quang, chủ một quán lẩu trên đường Trần Quang Khải, Quận 1, TP.HCM nói.
Theo ông Quang, khách hàng khi say thường rất cố chấp, không chịu cho người khác chở về.
Tuy nhiên, thói quen trên sẽ phải thay đổi với khung luật mới, nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1/1, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt nặng.
Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.
"Với khung luật nghiêm như vậy, tôi nghĩ nhu cầu về dịch vụ lái hộ sẽ tăng”, Hùng Trần, người sáng lập startup GotIt, người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực startup chia sẻ.
Bên cạnh khó khăn từ thói quen người dùng, dịch vụ lái xe hộ là nếu triển khai cần có đội ngũ tài xế lớn. Mỗi ngày quán ông Quang đón hàng trăm lượt khách. Khách vào quán lẩu chủ yếu để nhậu.
Dịch vụ lái xe hộ của Grab đã được triển khai tại Thái Lan. |
Vì vậy, nhu cầu nhân viên để đưa khách về nếu triển khai dịch vụ là rất cao, không thể bố trí đủ người. Rất cần doanh nghiệp bên thứ ba đủ lớn để thực hiện.
"Hiện tôi đang hợp tác với các công ty xe ôm công nghệ, cung cấp những mã giảm giá cho khách hàng từ quán về nhà. Tuy vậy, giải pháp này chỉ phù hợp với khách không đi xe. Những người đi xe đến quán thường vẫn tự lái xe về sau khi say", ông Quang nói thêm
Theo một số nhà hàng khác, nếu khách chịu đi xe ôm công nghệ về nhà, thì áp lực giữ xe qua đêm của khách lại quá cao, không thể đáp ứng nổi.
Bên cạnh đó, nếu không có một startup nghiêm túc, uy tín thì các rủi ro như mất mác tài sản, nguy hiểm tính mạng khách hàng cũng là rào cản khiến dịch vụ lái hộ gặp khó khăn tại Việt Nam.
“ỞViệt Nam, về mặt công nghệ, có nhiều đơn vị có thể triển khai các giải pháp gọi xe, chở người lẫn xe về sau khi uống rượu bia. Lợi thế nhất phải kể đến các đơn vị taxi công nghệ như Grab, GoViet, Be…", Nguyễn Lê Minh Quân, người sáng lập startup Weibo Việt Nam nói.
Tuy nhiên hành vi người dùng cũng như chi phí cho việc triển khai giải pháp này đang là rào cản lớn. Một số nhóm Facebook đã được tạo ra để đưa tài xế say về nhà. Tuy vậy, mức giá cho dịch vụ này giao động từ 300.000-500.000 đồng, được xem là vẫn còn khá cao.
Mức phạt cao hơn khiến cánh tài xế buộc phải cân nhắc kỹ trước khi lai xe về nhà lúc say. |
Trong quá khứ Uber Việt Nam cũng đã thử triển khai giải pháp “thổi để gọi xe” vào năm 2015 tại Hà Nội với một quy trình hoàn hảo về phía người dùng, nhưng kết quả vẫn thất bại nhanh chóng.
Theo đó, Uber VN đã đặt các “trạm thổi” có tên UberSafe tại các nhà hàng trong địa bàn thành phố. Chỉ cần người dùng thổi vào máy thông qua ống hút rời (có thể thay thế) là có xe Uber đón về miễn phí.
"Tuy Uber đầu tư rất tốt nhưng ta vẫn thấy mô hình đã thất bại, đó là một điểm mà các đơn vị làm công nghệ có thể cân nhắc, không phải mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng công nghệ”, Minh Quân, người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc xây dựng các ứng dụng nói thêm.
"Cá nhân tôi nghĩ dịch vụ này có thể là một chức năng nhỏ trong các app lớn như Grab, GoViet, Be chứ khó để trở thành một hình thức kinh doanh độc lập", người sáng lập startup GotIt nói.
Theo chuyên gia này, dịch vụ gọi tài xế sẽ dễ thành công hơn với mô hình B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) hơn. Cụ thể, các bên cung cấp dịch vụ lái thuê sẽ hợp tác với các nhà hàng, quán nhậu, đưa ra các ưu đãi cho tài xế khi say, hỗ trợ họ đi đến nơi về đến chốn.
“Các tài xế khi say thường mất kiểm soát và nghĩ mình có thể lái xe về. Vì vậy, họ khó có nhu cầu tự gọi tài xế”, ông Hùng nói thêm
Mô hình thuê tài xế từ lâu được áp dụng tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.
Ở Trung Quốc, dịch vụ đưa tài xế có hơi men về nhà khá phổ biến. Trước những nhà hàng, quán nhậu sẽ có một đội tài xế chờ sẵn. Khi người dùng bước ra từ nhà hàng, nhóm tài xế này sẽ gợi ý các dịch vụ chở thuê về nhà. Khi người dùng đồng ý, nhân viên dịch vụ sẽ chở về hộ. Tài xế sẽ trở về điểm đón khách bằng các phương tiện như xe đạp điện hoặc xe điện tự cân bằng có thể gấp gọn.
Tài xế dịch vụ lái xe hộ trở về điểm đón khách bằng xe điện sau khi đưa người say về nhà. Ảnh: NYT. |
Theo người dân tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, nếu phát hiện người dùng đã say nhưng vẫn không sử dụng dịch vụ, tự lái xe về, các nhân viên dịch vụ lái hộ sẽ liên hệ trực tiếp với cảnh sát, báo biển số xe.
“Cách làm này giúp chính phủ dễ dàng quản lý người say khi lái xe hơn và khiến cánh tài xế e dè hơn khi từ chối sử dụng dịch vụ”, Juan, một hướng dẫn viên người Trung Quốc biết nói tiếng Việt chia sẻ với Zing.vn.
Tại Trung Quốc nếu tài xế điều khiển xe khi say, mức phạt sẽ là tịch thu bằng lái 6 tháng. Tùy theo trường hợp có thể cấm thi bằng lái trong 5 năm và truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính mức phạt nghiêm cùng việc đầu tư nghiêm túc của các startup, mô hình lái hộ này đã phổ biến tại quốc gia tỷ dân này.
Không tìm thấy bài viết